PDA

View Full Version : Những người phòng cháy từ xa



decomoto
04-24-2012, 10:08 PM
Từ khối lượng công việc ngày càng tăng và tầm quan trọng của công tác thẩm duyệt PCCC đối với các công trình trọng điểm quốc gia mà gần đây, C23 đã có thêm một đơn vị mới mang tên là "Phòng hướng dẫn và chỉ đạo thẩm duyệt về PCCC", gọi tắt là Phòng 3. Cùng với đội ngũ cán bộ dày dạn kinh nghiệm trong công tác PCCC như Thượng tá, Tiến sĩ Trần Duy Hiền, Thượng tá Thạc sĩ Trần Đức Thịnh, Thiếu tá Bùi Việt…

Chuyện bắt đầu từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước, đến mùa hè năm 2000 mới có hồi kết. Nhưng đó là hồi kết đầy bất ngờ và không ai muốn.
Chính xác là vào ngày 20 tháng 4 năm 2000, ngày có mưa giông, trạm biến áp 500 KV của công trình nhà máy Thủy điện Hòa Bình bị sét đánh và một trong bẩy chiếc máy biến áp ở đây bị nổ. Từ chiếc máy biến áp ấy, các dòng dầu phun ra rất mạnh và bốc cháy dữ dội. Thiệt hại của vụ hỏa hoạn bất khả kháng này là khá lớn. Chỉ tính riêng một chiếc máy bị cháy rụi đã có giá 1,2 triệu đôla Mỹ.
Ngay sau khi vụ hỏa hoạn do thiên tai gây ra, các cơ quan chức năng, mà đặc biệt là chủ đầu tư của công trình Thủy điện Hòa Bình mới thấy thấm thía những tình tiết liên quan đến nhận thức về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) gần 20 năm trước đó.

Ngày ấy, khi xây dựng trạm biến áp, với chức năng và nhiệm vụ được giao, cán bộ chiến sĩ Cục Phòng cháy chữa cháy (C23) đã yêu cầu chủ đầu tư phải xây dựng tường ngăn riêng biệt cho từng chiếc máy biến áp. Một phần lo tốn kém, một phần do nhận thức, chủ đầu tư không đồng ý với đề án do anh em phòng cháy đưa ra và cho rằng chỉ cần xây chung cho cả 7 chiếc máy biến áp một bức tường cách ly với bên ngoài là đủ. Tuy nhiên, anh em C23 vẫn kiên quyết bảo vệ đề án của mình và rốt cục mỗi chiếc máy biến thế đã có được những bức tường ngăn riêng.
Gần 20 năm qua đi, trước mắt nhiều người, những bức tường ấy ngỡ như bị thừa. Thực tình anh em PCCC cũng chỉ mong nó vĩnh viễn... thừa. Nhưng rồi, sự cố thiên tai ngày hè năm 2000 vẫn xảy ra và những bức tường ngăn lửa đã phát huy tác dụng.

Dòng lửa phun xa hơn 20 m từ chiếc máy biến áp chứa hàng chục tấn dầu "gặp nạn" đã bị bức tường chặn đứng. 6 chiếc máy biến áp kề bên nhờ vậy mà vẫn "bình yên vô sự". Và đến lúc ấy, tất cả mọi người đến hiện trường của vụ cháy đều thốt lên: Nếu không có bức tường ngăn lửa thì chắc chắn cả 6 chiếc máy biến áp còn lại sẽ thành những cột lửa khổng lồ, hệ lụy của nó sẽ là rã lưới điện quốc gia và như vậy, thiệt hại không chỉ tính bằng tiền…

Theo Thượng tá - Tiến sĩ Trần Duy Hiền, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo và thẩm duyệt về PCCC thì vào thời điểm câu chuyện xảy ra, ý thức tự giác về công tác PCCC của nhiều nhà đầu tư chưa được như bây giờ.
Về mặt pháp lý, thời ấy luật PCCC chưa được ban hành và thuật ngữ chuyên môn mà anh em C23 đem đến các công trình trọng điểm mới chỉ là "thỏa thuận thiết kế PCCC" với nhà đầu tư hoặc chủ công trình. Mà đã là "thỏa thuận" thì nhà đầu tư có thể có hoặc cũng có thể không tuân thủ, thậm chí phản bác lại tư vấn thiết kế, lắp đặt trang thiết bị PCCC của anh em C23.
Thường thì công trình xây dựng càng lớn, những yêu cầu đặt ra cho công tác PCCC càng khắt khe, tốn kém kinh phí và thời gian. Các chủ đầu tư có xu hướng muốn giản tiện cả việc thiết kế và lắp đặt thiết bị PCCC để "tiết kiệm" tiền của!

Thế mới có chuyện, chỉ một gian hàng nhỏ bất cẩn phát cháy dẫn đến cả khu chợ lớn phải chịu chung số phận "hỏa thiêu" mà một trong những lý do là khi xây dựng chợ, người ta không lắp đặt các họng nước dập lửa tại chỗ và cũng không thiết kế đường cho xe cứu hỏa ra vào... Lại nữa, đã có những tòa nhà cao tầng xảy ra hỏa hoạn, nhưng vì không có hệ thống thoát hiểm hoặc hệ thống thoát hiểm bị dùng cho mục đích khác nên nhiều người đã bị thiệt mạng một cách oan uổng.

Vụ sét đánh trạm biến áp của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình và một số vụ cháy chợ, cháy nhà cao tầng vào cuối thế kỷ trước đã tác động lớn đến đời sống xã hội, để rồi sau đó, Luật PCCC được ban hành (năm 2001). Kèm theo Luật, tại Nghị định 35/NĐ - CP thuật ngữ "thẩm duyệt PCCC" được thay cho cụm từ cũ "thỏa thuận thiết kế PCCC" trước đó. Và đó chính là căn cứ pháp lý để lực lượng PCCC có quyền năng nhất định trong công tác phòng cháy từ xa.

Từ khối lượng công việc ngày càng tăng và tầm quan trọng của công tác thẩm duyệt PCCC đối với các công trình trọng điểm quốc gia mà gần đây, C23 đã có thêm một đơn vị mới mang tên là "Phòng hướng dẫn và chỉ đạo thẩm duyệt về PCCC", gọi tắt là Phòng 3. Cùng với đội ngũ cán bộ dày dạn kinh nghiệm trong công tác PCCC như Thượng tá, Tiến sĩ Trần Duy Hiền, Thượng tá Thạc sĩ Trần Đức Thịnh, Thiếu tá Bùi Việt… Ở đơn vị mới này đang có một đội ngũ sĩ quan trẻ được trang bị kiến thức chuyên sâu và thường xuyên cập nhật các thông tin PCCC hiện đại trên thế giới.


http://www.cand.com.vn/Uploaded_VNCA/thanhbinh1/3_canbo108-400.jpg


Cán bộ, chiến sĩ Phòng hướng dẫn chỉ đạo và thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy (C66) kiểm tra công tác PCCC tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.


Theo Đại tá, Phó cục trưởng C23 Đoàn Hữu Thắng thì những cán bộ trẻ này đều là những sinh viên xuất sắc mới tốt nghiệp các trường đại học chuyên ngành phòng cháy trong nước và ngoài nước được C23 lựa chọn về.
Đó là Trung úy Nguyễn Văn Bình, thủ khoa của Đại học Phòng cháy chữa cháy ra trường năm 2005. Đồng thời với việc thực hiện nhiệm vụ thường xuyên do cấp trên giao, Bình đang chú tâm vào nghiên cứu đề tài khoa học: "Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đối với nhà máy tuabin khí hỗn hợp".

Đó là Trung úy Nguyễn Minh Tiến, tốt nghiệp Khoa An toàn phòng cháy chữa cháy Trường đại học Xây dựng Raxtốp, Liên bang Nga. Nghe Tiến kể chuyện mới biết ở nước bạn, công tác PCCC không chỉ được đào tạo ở trong lực lượng cảnh sát mà còn được giảng dạy ở một số trường đại học có liên quan đến việc xây dựng những công trình lớn.

Một sỹ quan trẻ nữa của Phòng 3 mà chúng tôi có dịp trò chuyện là Trung úy Trần Hải Nam. Học cùng khóa với Nguyễn Tiến Bình, từ khi về Phòng 3, Nam cũng rất hăng say với công tác nghiên cứu khoa học. Đề tài "Quy hoạch tổng thể lực lượng PCCC đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 của ngành Dầu khí" mà anh đang tham gia nghiên cứu sẽ đóng góp không nhỏ vào việc bảo vệ an toàn cho một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tính đến năm 2006, cả nước có 4.764 công trình trọng điểm nằm trong diện phải được thẩm duyệt về PCCC. Cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, hàng năm, số công trình trọng điểm cần phải thẩm duyệt về PCCC liên tục tăng.

Những công trình lớn như Nhà máy Thủy điện Sơn La, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Kho xăng dầu Ngoại quan Vân Phong, Cụm khí điện đạm Cà Mau… có đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tài liệu, bản vẽ thiết kế đòi hỏi anh em Phòng 3 phải đọc, phải đánh giá thật khoa học khi thẩm duyệt về PCCC... Đó là công việc đòi hỏi tính tỉ mỉ chính xác và tinh thần trách nhiệm cao. Chính vì thế, cùng với lực lượng PCCC các tỉnh, thành, cán bộ chiên sĩ Phòng 3 phải thường xuyên có mặt ở các công trình trọng điểm trên hầu khắp đất nước. Với họ, những chuyến đi địa bàn là thường xuyên là không bao giờ dứt...
Trong những chuyến đi ấy, cán bộ thẩm duyệt đã phát hiện được hàng chục, thậm chí hàng trăm thiếu sót về PCCC, kịp thời yêu cầu chủ thẩm duyệt đầu tư và cơ quan thiết kế khắc phục. Việc phát hiện và đóng góp của anh em C23 đã góp phần phòng ngừa và đảm bảo an toàn về PCCC cho hàng ngàn công trình ngay từ giai đoạn thiết kế và cả khi công trình đã đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, có một số công trình, dẫu cán bộ kiểm duyệt về PCCC đã phát hiện ra thiếu sót, đã kiến nghị sửa chữa, nhưng vì lý do nào đó mà chủ công trình vẫn chưa thể khắc phục. Câu chuyện về những cái cửa thoát nạn ở hầm đường bộ đèo Hải Vân là một trong những ví dụ còn nguyên tính thời sự...

Hầm đường bộ đèo Hải Vân được bố trí một số hầm lánh nạn, mà chủ yếu là "lánh" cái "nạn" cháy nổ bất ưng của các phương tiện tham gia giao thông qua đây. Khi thẩm duyệt về PCCC công trình này, cán bộ C23 nhận thấy điều bất hợp lý của một hạng mục và đã đưa ra kiến nghị: Cửa từ hầm chính sang hầm lánh nạn phải là cửa có bản lề mở theo chiều thoát nạn chứ không phải là cửa trượt mà nhà thiết kế đã lắp đặt.
Bởi lẽ, theo phản xạ tự nhiên, khi xảy ra cháy nổ, mọi hành khách sẽ chạy về phía hầm lánh nạn và cùng đẩy cửa mong thoát thân chứ ít ai đủ bình tĩnh để kéo cái cửa trượt. Rất tiếc là bên C23 đã kiến nghị bằng văn bản nhiều lần mà cho đến nay điều bất hợp lý ấy vẫn chưa được khắc phục.

Được biết, theo một bản phụ lục kèm theo Công văn số 377 của Công ty Quản lý và Khai thác hầm đường bộ Hải Vân thì từ năm 2005 đến hết quý I năm 2008 đã xảy ra 12 vụ cháy trong hầm. Rất may là 11 trong số 12 vụ cháy trong hầm đường bộ đều là xe vận tải nên hầm lánh nạn chưa phát huy tác dụng và cái cửa trượt vẫn chưa bộc lộ hết những điều bất hợp lý của nó.
Về thành tích chung của lực lượng PCCC cả nước, trong bản báo cáo về xây dựng phong cách người cảnh sát PCCC vì nhân dân phục vụ còn lưu ở phòng 3 có một đoạn rất ngắn như sau: "Hàng năm chỉ công tác chữa cháy đã cứu và giải thoát được hàng ngàn người, cứu và bảo vệ được lượng tài sản của nhà nước, của nhân dân trị giá khoảng 2.000 đến 3.000 tỉ đồng".

Còn về công tác phòng cháy, cũng chỉ một dòng ngắn ngủi: "Bằng sự nỗ lực cố gắng của mình lực lượng Cảnh sát PCCC đã góp phần kiềm chế sự gia tăng về số vụ cháy". Tôi hiểu, đằng sau câu chữ ấy là công sức trí tuệ, là sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ những cán bộ thẩm duyệt về PCCC. Sự hy sinh và những chiến công thầm lặng của họ chính là sự an toàn cho các công trình, và bằng cả danh hiệu "Đơn vị quyết thắng" mà họ (Phòng 3) được trao tặng liên tục từ khi thành lập đến nay



Nguồn: CAND.com.vn