PDA

View Full Version : Chuyện kể về những người lính chữa cháy



decomoto
04-24-2012, 02:23 PM
Có một sự đau đáu luôn được những người lính Cảnh sát PCCC quan tâm sau những trận đánh “giặc lửa”, là: “Có xảy ra thiệt hại về người không?”. Với Cảnh sát PCCC TP.Hà Nội, nhiều năm qua, các anh không chỉ thể hiện sự chuyên nghiệp, bài bản trong mỗi lần dập lửa, mà đã dũng cảm cứu thoát rất nhiều người khỏi sự nguy hiểm.

Ân nhân của gia đình nhỏ Đến trụ sở Đội CSPCCC Gia Lâm ở gần nút giao thông vòng xoay Nguyễn Văn Cừ-Nguyễn Văn Linh-Ngô Gia Tự (quận Long Biên), rồi chúng tôi cùng Đại úy Đoàn Mạnh Tuấn, cán bộ của Đội đến tiếp tục hỏi thăm gia đình vợ chồng anh Bùi Anh Đức, chị Nguyễn Diệu Oanh, nhân chứng sống của một vụ hỏa hoạn sinh tử. Sau vụ cháy hồi trung tuần tháng 4-2008, vợ chồng anh Đức đã chuyển từ phường Ngọc Lâm sang phường Ngọc Thụy, quận Long Biên. Cuộc gặp gỡ giữa Đại úy Tuấn và gia đình anh Đức diễn ra thật cảm động. Là bởi, người chiến sỹ CS PCCC trẻ tuổi ấy chính là ân nhân đã cứu sinh mạng của 3 thành viên trong gia đình họ khỏi vụ cháy kinh hoàng.

…Lúc ấy vào khoảng 4h ngày 22-4-2008, vợ chồng anh Đức cùng con gái đầu Bùi Phương Linh 2 tuổi, đang ngủ. Bỗng nhiên, chị Oanh nghe thấy những tiếng xôn xao bên ngoài. Trạng thái của người phụ nữ đang mang thai khiến chị Oanh hết sức nóng ruột trước hiện tượng lạ ngoài kia. Từ những tiếng xôn xao, chị Oanh cảm nhận mùi khét bất thường. Chị đánh thức anh Đức dậy xem việc gì xảy ra. Qua cửa sổ, hai vợ chồng hốt hoảng khi nhận thấy ánh lửa đỏ rực phát ra từ gian nhà ngoài, nơi gia đình cho thuê kinh doanh hoa tươi.

Địa điểm xảy cháy đến phòng ngủ cách một khoảng hành lang. Nhưng lúc này, lửa đã bùng cháy dữ dội, choán toàn bộ lối ra. Anh Đức bảo vợ trùm chăn lên người bé Phương Linh để anh tìm đường thoát hiểm. Thế nhưng, những luồng khói đen kịt, hung tợn đã xộc vào phòng ngủ. Anh Đức vừa ra đến hành lang, bị ngay ngọn lửa táp vào người, ngất xỉu vì nóng và khói. Một chiếc xe máy còn đổ đè lên người anh. Chứng kiến cảnh tượng này, chị Oanh chỉ còn biết ôm bé Phương Linh vào lòng, kêu cứu và cũng lả dần…

Ngay khi anh Đức ngã gục trong đám khói thì các chiến sỹ Đội PCCC Gia Lâm đã đến hiện trường. “Mấy người trong nhà chưa ai ra được các anh ơi”, một người hàng xóm của anh Đức hối hả thông báo. Thông tin này khiến cả đội như có luồng điện chạy qua người. Lửa cháy gian ngoài, choán hết lối ra, liệu… Đại úy Đoàn Mạnh Tuấn nhận nhiệm vụ xông vào hiện trường tìm cứu nạn nhân sau khi đồng đội dùng lăng vòi đánh dạt lửa sang hai bên. Anh Đức được phát hiện trước tiên, và được đưa ra ngoài.

Đại úy Tuấn cùng người nhà anh Đức lại quay vào trong. Qua gian ngoài, qua dãy hành lang, càng vào sâu, sức nóng trong ngôi nhà càng đáng sợ. Trong bóng tối, Đại úy Tuấn cũng phát hiện chị Oanh đang lả trên sàn nhà, tay ôm chặt bé Phương Linh lúc này đã bất tỉnh. Người lính PCCC nhấc chị Oanh chạy xuyên qua vùng khói, lao thẳng ra ngoài hè, nơi đang có rất nhiều người lo lắng, chờ đợi tin tức của nạn nhân. Một cái kết “có hậu” của vụ cháy kinh hoàng ấy, là 2 ngày sau, chị Oanh mẹ tròn con vuông; và nhân chứng đặc biệt chính là bé Bùi Hà Phương, nay đã ở tháng thứ 17.

Phương án không có trong giáo án!



http://www.anninhthudo.vn/Phong-su/Chuyen-ke-ve-nhung-nguoi-linh-chua-chay/ImageView.aspx?ThumbnailID=64209

Đại úy Đoàn Mạnh Tuấn cùng gia đình anh Đức


Ở Phòng Cảnh sát PCCC- CATP Hà Nội, anh em hay gọi Trung tá Nguyễn Văn Nguyện - Đội trưởng Đội Phan Chu Trinh là “Người thương thuyết”. Mấy chục năm trong nghề, Trung tá Nguyện đã tham gia không biết bao nhiêu vụ chữa cháy, song nhớ nhất là 2 vụ cứu 2 người “thần kinh có vấn đề” leo lên cột điện và cây cao. đây là tình huống không có trong giáo án huấn luyện của bất cứ lực lượng vũ trang nào. Sở dĩ Cảnh sát PCCC được giao nhiệm vụ này, đơn giản bởi các anh có… xe thang.
Vụ cứu người đặc biệt lần đầu tiên mà Trung tá Nguyện thực hiện là năm 2004. “Hôm ấy là một ngày hè, khoảng 15h…”, Trung tá Nguyện nhớ lại. Đang trong ca trực, anh nhận được lệnh đi cùng chiếc xe thang 32 mét tới phố Kim Mã cùng Công an phường “giải cứu” một phụ nữ đang ở trên… cây xà cừ.

Không ai biết người phụ nữ này leo lên cây từ bao giờ, và khi người ta phát hiện được thì “hiện trạng” người phụ nữ ấy đang vắt vẻo chân trên độ cao khoảng 14 mét. Trung tá Nguyện nhận nhiệm vụ lên xe thang để “thương thuyết” với người phụ nữ tâm thần. Nhiệm vụ này không đơn giản chút nào, bởi đòi hỏi người thương thuyết phải… biết cách nói chuyện với người tâm thần, thuyết phục được người phụ nữ từ bỏ ý định dại dột. Khi chiếc xe thang đã lên ngang tầm người phụ nữ, chị ta mở mắt trừng trừng nhìn Trung tá Nguyện.

Anh nhoẻn cười với người phụ nữ và cất giọng nhẹ nhàng: “Mọi người ở dưới kia cử tôi lên đón chị về với các cháu đây”. Người phụ nữ lắc đầu: “Tao thích ở trên đây. Tao không về đâu”. Mừng vì người phụ nữ đang bị thu hút về phía mình, Trung tá Nguyện tiếp tục hỏi chuyện để chị ta phân tâm. Cho đến khi chiếc lồng sắt tiếp cận vào vị trí an toàn, anh tóm được hai tay của người phụ nữ rồi nhấc bổng chị ta vào trong lồng sắt.
2 năm sau đó, cỡ năm 2006, Trung tá Nguyện gặp lại tình huống gần tương tự trên đường Yên Phụ. Vào sáng sớm, một cậu nhóc khoảng 15 tuổi do ức chế tâm lý đã leo lên cột điện cao thế… ngồi chơi. May mắn cho cậu ta là không bị điện giật trước khi nhà điện cắt cầu dao khu vực này. Tiếp xúc với Trung tá Nguyện, cậu thanh niên ban đầu tỏ ra thích thú vì cái lồng sắt, rồi tỏ ra cương quyết, lắc đầu nguây nguẩy không chịu về nhà.
Trước thái độ này, Trung tá Nguyện tìm cách ôm cậu thanh niên vào lòng như người cha ôm con, vỗ về, rồi lần lượt gỡ hai tay cậu ta đang bám chặt vào những thanh sắt trên cột điện. Cứ thế, chiếc xe thang thu dần độ cao, tiếp đất. Cậu thanh niên được bàn giao về với gia đình; còn những người lính CS PCCC như Trung tá Nguyện, như Đại úy Tuấn, các anh leo lên chiếc xe cứu hỏa đỏ quen thuộc, băng mình vào nhiệm vụ mới.


Theo ANTĐ.vn