PDA

View Full Version : Ðề phòng cháy, nổ dịp cận Tết



hoangsao
01-22-2016, 04:42 PM
SKĐS - Cận Tết Nguyên đán luôn là lúc nhu cầu sử dụng điện tăng cao, phục vụ sản xuất lẫn vui chơi, giải trí, đồng thời là dịp các tiểu thương, doanh nghiệp tích lũy hàng hóa để buôn bán, kinh doanh...


Cận Tết Nguyên đán luôn là lúc nhu cầu sử dụng điện tăng cao, phục vụ sản xuất lẫn vui chơi, giải trí, đồng thời là dịp các tiểu thương, doanh nghiệp tích lũy hàng hóa để buôn bán, kinh doanh... Do vậy, đây cũng là lúc bà con cần hết sức cẩn trọng khi sử dụng điện, đốt vàng mã để phòng tránh nguy cơ hỏa hoạn, như những vụ cháy đáng tiếc gần đây gây thiệt hại nặng nề về tài sản.

Nhu cầu điện càng cao, nguy cơ càng lớn


Thực tế cho thấy, cứ dịp cận Tết Nguyên đán, nhu cầu mua bán của người dân tăng cao. Hầu hết các khu chợ, lượng hàng hóa được tích trữ, tập trung nhiều hơn. Tuy nhiên, trong điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy (PCCC) ở đây chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, tình trạng chất hàng hóa quá nhiều, chen kín các lối đi, đường dây điện sát với các vật dụng dễ bắt lửa, nhất là tình trạng đốt vàng mã, thắp hương cúng lễ trong chợ... nên nguy cơ cháy nổ rất cao.


http://suckhoedoisong.vn/Images/duylinh/2016/01/15/chay_cho_thiet_hai2.jpg
Cảnh hoang tàn của hàng chục kiốt chợ Phủ Lý sau vụ hỏa hoạn vừa qua.


Hàng loạt các vụ hỏa hoạn gây thiệt hại lớn cả về người và tài sản liên tục xảy ra khi Tết Nguyên đán đang cận kề. Điển hình như vụ cháy nghiêm trọng tại chợ Phủ Lý (TP. Phủ Lý, Hà Nam) ngày 31/12/2015, hỏa hoạn đã thiêu rụi gần 300 ki-ốt và gian hàng trong chợ, gây thiệt hại hơn chục tỷ đồng do đúng vào thời điểm các hộ kinh doanh đang tích trữ hàng để bán Tết.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong năm 2015 có một số vụ cháy lớn như cháy tại khu công nghiệp Long An (4/1/2015) thiêu rụi 3 nhà xưởng, ước tính thiệt hại hàng chục tỷ đồng; cháy tầng hầm tòa CT4A chung cư Xa La (11/10); cháy lớn tại khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội (18/10/2015), ước tính thiệt hại hàng trăm tỷ đồng; hay vụ cháy chợ cầu Ông Lãnh, quận 1, TP.HCM vừa qua cũng khiến nhiều gian hàng kinh doanh bị thiêu rụi hoàn toàn, gây tổn thất nặng nề về tài sản.
Nguyên nhân dẫn đến cháy hầu hết đều do chập điện. Đây là điều dễ hiểu khi hệ thống điện của các gia đình đều đã cũ, mà nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cao. Nếu như các thiệt hại về người thường đến từ các vụ cháy hộ dân thì những thiệt hại về tài sản lại đến từ các vụ cháy khu công nghiệp, khu chế xuất và nguyên nhân phổ biến nhất là các cơ sở sản xuất chưa đáp ứng được các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, hệ thống báo cháy không hoạt động, cháy không được phát hiện kịp thời... Đáng lo ngại hơn, tại nhiều chợ dân sinh còn tình trạng dây điện sinh hoạt mắc chằng chịt, một số tiểu thương sử dụng điện để đun nấu, dẫn đến tình trạng quá tải, chập điện, gây bén lửa các sản phẩm dễ cháy...


Tăng cường kiểm tra công tác PCCC


Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an cho rằng, mùa khô và dịp Tết Nguyên đán là thời gian có nguy cơ cháy, nổ cao, vì độ ẩm trong không khí thấp, vật liệu khô, rất dễ bắt cháy. Thời điểm cuối năm cũng là dịp người dân, tiểu thương tích trữ hàng hóa để bán dịp Tết. Cùng với đó, việc cúng lễ, đốt vàng mã tại cơ sở kinh doanh, nhất là các chợ dễ dẫn đến các sự cố cháy, nổ.
Một nguyên nhân nữa, đây cũng là thời điểm nhu cầu sử dụng lửa, điện và nhiên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng cao. Tại các cơ sở sản xuất, việc tăng ca, tăng thiết bị sản xuất trong khi hệ thống cơ sở hạ tầng điện không thay đổi, dẫn đến quá tải, chập mạch gây cháy. Mặt khác, việc sử dụng lửa, điện, khí đốt hóa lỏng, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã phục vụ sinh hoạt trong dịp Tết tại các gia đình cũng tăng cao so với thời gian trước, là những yếu tố tiềm ẩn cháy nổ, gây thiệt hại về người và tài sản.


UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo Sở Cảnh sát PCCC kiểm tra tất cả các chợ (đặc biệt các chợ lớn, hoạt động kinh doanh cả ngày) về công tác PCCC. Theo đó, những trường hợp không bảo đảm công tác PCCC, Sở Cảnh sát PCCC phối hợp UBND quận, huyện, thị xã đình chỉ hoạt động chợ để chấn chỉnh công tác quản lý, đầu tư cải tạo sửa chữa, nhằm bảo đảm công tác PCCC.


Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội Tô Xuân Thiều khẳng định: Để phòng, chống cháy nổ, nhất là dịp Tết Nguyên đán, người dân, doanh nghiệp phải luôn có ý thức phòng cháy. Trước hết các cơ quan chức năng cần tăng cường xây dựng kế hoạch kiểm tra tổng thể công tác PCCC tại các khu dân cư, nhất là các khu dân cư có nguy cơ cháy cao. Trong đó chú ý kiểm tra các cơ sở sản xuất nhỏ xen lẫn khu dân cư; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về PCCC đến tận các hộ dân, các cơ sở kinh doanh, sản xuất... từ đó nâng cao ý thức tự giác của mỗi người để xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC. Mặt khác, các chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh, các nhà đầu tư, ban quản lý... thường xuyên tổ chức bảo quản, bảo dưỡng các phương tiện PCCC như máy bơm chữa cháy, bình chữa cháy, các “họng” nước cứu hỏa... bảo đảm các phương tiện này luôn hoạt động tốt.


Ý thức của mỗi người dân, doanh nghiệp góp phần không nhỏ để hạn chế các vụ hỏa hoạn có thể xảy ra.





Theo www.http://suckhoedoisong.vn/