PDA

View Full Version : Vui buồn nghiệp lính chữa cháy



PhuThoTech
07-26-2012, 09:31 PM
Đang ăn cơm, đang ngủ, đang tắm, đang cắt tóc hay đang làm bất cứ việc gì nhưng hễ nghe còi báo cháy, là họ phải dừng tất cả để đến hiện trường nhanh nhất.

Mê nghề chữa cháy

Buổi chiều hôm đó, chiến sĩ Trần Quang Thiện, Phòng Cảnh sát PCCC Q.8 (TP.HCM) đang cắt tóc trước cổng cơ quan. Khi bác thợ dùng tông-đơ đi một đường phía tóc bên trái thì chuông báo cháy vang lên. Anh vùng chạy về đơn vị, vơ áo nón vội vã lên xe. Khi làm xong nhiệm vụ, anh bỏ nón ra cho đỡ nóng thì mọi người nhìn anh cười rúc rích. Cứ nghĩ mặt mình dính khói đen nên anh không quan tâm (đồng đội anh ai mà chả thế). Nhưng sực nhớ đến đường tông-đơ của bác thợ cắt tóc, anh bỗng giật mình lấy tay sờ đầu. Ôi thôi, tóc của anh, một bên trụi lũi, một bên dài ngoằng. Lần khác thì đang tắm, người đầy xà phòng nhưng khi nghe chuông báo cháy, anh cũng phải “giữ nguyên hiện trường” đi làm nhiệm vụ.

Trần Quang Thiện trưởng thành từ lính nghĩa vụ. Trước đây khi mới vào nghề, thấy công việc cực khổ và nguy hiểm, anh đã làm đơn xin nghỉ việc. Nhưng được anh em và lãnh đạo động viên, anh ở lại. Bây giờ thì trong gia đình có người khuyên anh chuyển công tác nhưng Thiện lại “mê nghề chữa cháy lắm rồi”.

Vụ đầu tiên anh tham gia là chi viện trong vụ cháy rừng ở huyện Củ Chi. Lần đó Thiện chỉ được giao nhiệm vụ tiếp ống dẫn nước nhưng run lắm. Khi đến nơi, thấy đám cháy hừng hực, anh em lao vào rất hăng say, khí thế, Thiện cảm thấy máu trong người chảy rần rần. Và cũng từ đó, anh muốn được tiếp tục kề vai sát cánh với đồng đội trong những lúc khó khăn như thế.

Còn thiếu tá Mai Hoàng Việt, Đội trưởng đội chữa cháy thuộc Phòng Cảnh sát PCCC Q.6 thì ngày đầu vào nghề còn “bốc lửa” hơn. Theo quy định, những chiến sĩ mới vào nghề chỉ làm công việc tiếp nước, chuyền vòi. Có lần chi viện cho một vụ cháy ở Q.6, tới nơi thấy lửa hừng hực, máu nghề trong Việt nổi lên. Lúc này trên mái nhà có 4 chiến sĩ của Q.1 đang chĩa vòi nước vào đám cháy để dập lửa. Thấy vậy, Mai Hoàng Việt ôm vòi nhảy phóc lên nóc nhà để phụ giúp một tay. Lòng Việt đang lâng lâng vì lần đầu tiên được chiến đấu trực tiếp với ngọn lửa thì bất ngờ, 4 chiến sĩ đồng thanh hô “1, 2, 3” rồi ôm vòi chữa cháy phi thẳng xuống đất. Việt cảm thấy bị “mất thần tượng” quá, lính cứu hỏa kiểu gì mà... sợ chết thế. Anh ở nguyên vị trí, cắn răng chịu đựng cái nóng hừng hực như trong lò bát quái. Nhưng lúc đó nhiều người phía dưới hét toáng lên: “Nhảy đi, nhảy xuống đi!”. Việt quay đầu vén mũ lên nhìn rồi lại tiếp tục công việc. Tiếng la hét mỗi lúc một khẩn cấp: “Nhảy đi, nhảy xuống nhanh đi, nhà sắp sập rồi!”. Lúc này Việt mới cảm giác mái nhà đang đong đưa liền co giò phóng vèo xuống đất. Ngay lúc đó, toàn bộ ngôi nhà đổ sập xuống. Thấy Việt đứng thất thần một góc, các chiến sĩ hỏi: “Sao anh không nhảy xuống?”. Việt gãi đầu lúng túng: “Tui... có biết gì đâu”. Bây giờ thì anh đã hiểu những người lính chữa cháy chuyên nghiệp chỉ cần nghe tiếng lửa, tiếng “rắc” của tường, của mái nhà là biết được điều gì sắp xảy ra. Giờ nghĩ lại, chỉ huy Việt vẫn cảm thấy xấu hổ với một thời “ngựa non háu đá” của mình.

“Người dân không phải ai cũng hiểu được quy trình chữa cháy, vì vậy làm lính cứu hỏa khổ trăm bề”.

Câu chuyện buồn của người chỉ huy

Đối với Mai Hoàng Việt, nghề chữa cháy đã thấm vào máu ngay từ khi còn nhỏ. Ba anh là Mai Tấn Sang, hiện đang phục vụ trong tổ lái xe của Phòng Cảnh sát PCCC Q.6, vì thế, ngay từ nhỏ anh thường đến cơ quan cha những ngày rảnh rỗi. Lúc ấy trong mắt anh, cha và đồng đội chính là những người hùng. Việt ước mơ sau này mình cũng trở thành người hùng diệt “giặc lửa” như cha. Vì thế, học xong THPT, Việt đăng ký đi nghĩa vụ tại Phòng Cảnh sát PCCC Q.6. Sau đó anh được cử đi học, 5 năm sau anh về lại Q.6 công tác, bây giờ anh là một trong bốn chỉ huy của Phòng Cảnh sát PCCC Q.6.

Anh bảo rằng, 10 năm trong nghề không có điều gì khiến anh phải áy náy nhưng cái chết của một chiến sĩ trẻ khiến anh ray rứt mãi.

Hôm đó đúng vào ngày 10.3 âm lịch, nhận được tin báo cháy tại kho chứa hàng của Công ty Nam Thuận Hưng, đường Nguyễn Văn Luông (Q.6). Vì đây là kho chứa hạt nhựa tái sinh, bao bì giấy nên lửa bốc cháy rất nhanh, lực lượng chữa cháy đến nơi lửa đã bao trùm toàn bộ. Thiếu tá Mai Hoàng Việt trực tiếp chỉ huy. Anh cho điều động nhiều mũi lăng trực tiếp để ngăn chặn cháy lan, trong đó có mũi lăng của Phạm Trường Huy. Lúc này, toàn bộ khu vực đã bị cúp điện, hệ thống chiếu sáng từ xe chữa cháy không đủ nên Huy không thấy đường, anh bước lên mái tôn nhựa của nhà dân bên cạnh liền bị ngã xuống đất. Mọi người đã kịp thời đưa anh đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu nhưng vì chấn thương quá nặng, ngày hôm sau, Huy đã ra đi...

Chỉ huy Mai Hoàng Việt cho rằng, giá như điều kiện, phương tiện chữa cháy tốt hơn thì không đến nỗi dẫn đến cái chết của Phạm Trường Huy. Bây giờ mỗi lần đến hiện trường, anh đều nhắc nhở anh em phải hết sức cẩn thận.

10 năm trong nghề, anh không thể nhớ nổi đã tham gia dập tắt bao nhiêu đám cháy. Trong vụ cháy xảy ra tại đường Vũ Chí Hiếu, Q.5 vào rạng sáng 31.12.2009, thì các chiến sĩ chữa cháy Q.6 nhặt được rất nhiều vàng trả lại cho chủ nhà. Trong vụ cháy này, có một nạn nhân đu người trên cửa sổ lầu 2 để thoát ra ngoài. Khi lính cứu hỏa chuyên nghiệp giăng nệm hơi để nạn nhân nhảy xuống nhưng người này vẫn còn lưỡng lự. Mãi một lúc sau, nạn nhân ngất xỉu và rơi tự do từ trên cao xuống và nằm gọn trong nệm. Khi thu dọn các chiến sĩ phát hiện một số vàng rơi vãi trong nệm liền báo cáo với chỉ huy. Mai Hoàng Việt cho người cô lập khu vực và huy động anh em nhặt lại để trả cho chủ nhà. Các chiến sĩ đã nhặt lại được một bọc vàng lớn, đa số là nữ trang, trao cho chủ nhà trước sự chứng kiến của người dân xung quanh.

Thượng tá Đỗ Văn Hiền bảo rằng, làm lính cứu hỏa khổ trăm bề. Người dân không phải ai cũng hiểu được quy trình chữa cháy. Lần đó cháy ở Q.8, 3 căn nhà liền nhau nhưng cháy căn giữa. Khi lực lượng chữa cháy đến thì ngọn lửa đã bén sang 2 căn bên cạnh. Chỉ huy cho triển khai các mũi lăng tập trung chống cháy lan. Chủ của căn nhà bị cháy la toáng lên: “Nhà tui cháy thì không chữa lại đi chữa nhà không cháy, họ cho các ông nhiều tiền lắm à”. Nhưng đối với lính chữa cháy, gặp những chuyện như thế vẫn còn may. Có khi người dân bị cháy nhà, xót của nên cầm dao, gậy rượt lính cứu hỏa chạy lòng vòng...


Theo Baomoi.com